x
0989793395

Kinh nghiệm du học Nhật Bản của một cựu du học sinh

Du học là một hành trình cho chính bản thân, nơi bạn sẽ phải đưa ra lựa chọn táo bạo và thoát khỏi vùng thoải mái của mình, nhưng chính những con người bạn gặp trong thời gian này sẽ biến chuyến hành trình của bạn từ tuyệt vời thành phi thường. Tôi biết có những bạn chưa từng sống xa gia đình thì huống chi việc đi du học phải một mình đương đầu với rất nhiều khó khăn . Nhưng nếu bạn thu mình trong vỏ bọc nhút nhát thì cuộc sống du học như một cực hình. Tôi sẽ chia sẻ cho các bạn tất tần tật về những vấn đề thường nhật nhất khi đi du học ở Nhật Bản nhé!

  1. Cơ sở vật chất của các trường đại học Nhật Bản

Các trường đại học Nhật Bản được trang bị rất hoàn hảo từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng…nhằm phục vụ tốt nhất mục đích học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của sinh viên. Ví dụ, thư viện được xây dựng khang trang với một kho sách đồ sộ, sinh viên ai cũng có thể mượn sách miễn phí mang về nhà học hoặc học tại thư viện.

Phòng máy tính cũng được trang bị rất hiện đại, bất cứ ai cũng có thể sử dụng được và nhiều nơi còn cho phép sinh viên sử dụng 24/24. Các phòng ốc của các trường đại học luôn được trang bị đầy đủ hệ thống máy lạnh, lò sưởi làm bạn cảm thấy rất thoải mái trong những ngày đông lạnh giá hoặc ngày hè nóng nực.

Nhà ăn ở trường cũng rất tiện lợi và rẻ. Rất nhiều sinh viên, không nấu ăn ở nhà mà chủ yếu ăn ở nhà ăn. Ngoài ra, ở trường đại học còn có cả hiệu sách, đại lý bán vé tàu, cửa hàng giặt đồ, cửa hàng văn phòng phẩm, máy rút tiền ATM,… rất thuận tiện. Tại nhà tập thể dục thể thao, bể bơi, sân bóng, sinh viên có thể thư giãn sau những giờ phút học tập căng thẳng.

  1. Giờ học

Phần lớn các trường đại học Nhật Bản giảng dạy bằng tiếng Nhật. Cả hai lần đi du học tại đây, tôi cũng học bằng tiếng Nhật. Khi mới đặt chân tới đất nước mặt trời mọc,vốn tiếng Nhật chưa đủ, việc nghe giảng của tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau mỗi giờ học, tôi thường phải mượn vở của những người bạn Nhật, mượn rất nhiều tài liệu tham khảo ở thư viện về để xem lại.

Phòng nghiên cứu để vừa tự ôn lại bài giảng, vừa làm bài tập. Vì vậy, theo tôi, trước khi vào học chính thức tại một trường đại học nào đó, bạn nên cố gắng trang bị càng nhiều tiếng Nhật càng tốt?

Ngoài ra, trong các bài giảng của các giáo sư Nhật, bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo cũng được sử dụng rất nhiều, và khối lượng sinh viên phải tự học cũng rất lớn. Bạn nên tranh thủ đọc càng nhiều sách tham khảo càng tốt . Kết quả học tập mỗi môn học sẽ được đánh giá thông qua điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ, báo cáo và cả những phát biểu tại những buổi thảo luận.

  1. Du học Nhật cũng có rất nhiều việc làm thêm để kiếm tiền.

Theo tôi việc làm thêm cũng cần thiết đối với những du học sinh tự túc. Tôi cũng làm thêm nhiều việc như làm tại tiệm ăn Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Nhật, dịch tài liệu,… Tiền thù lao làm thêm tại các tiệm ăn thông thường khoảng 800yên/giờ, bao gồm cả ăn trưa hoặc tối.

Những công việc khác như dạy tiếng Việt, dịch thuật thì có mức lương cao hơn nhưng rất khó tìm và không phải khi nào cũng có. Đi làm thêm giúp tôi kiếm một phần sinh hoạt phí, nhưng làm thêm còn là một cơ hội tốt cho tôi tìm hiểu xã hội, con người Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài người bạn do tập trung quá vào việc làm thêm, bỏ bê việc học hành, dẫn đến một kết quả học tập không tốt.

Đối với những bạn muốn đi làm thêm tại các cửa hàng người Nhật thì các bạn nên nhớ rằng chỉ có thể tìm được việc làm thêm tại Nhật nếu có khả năng nghe, nói tiếng Nhật tương đối tốt.Khi đến Nhật rồi bạn hãy luôn nhớ mình sang đây để học không phải để kiếm tiền nên các bạn đừng kì vọng sẽ kiếm được nhiều tiền khi đi du học như những tin đồn thổi mà mọi người vẫn hay truyền tai nhau nói. Được đi làm và tha hồ kiếm tiền, ít lắm cũng được 30-40 triệu/tháng, một số tiền mà ở Việt Nam có hàng ngàn người mơ ước. Nếu không cố gắng để có được học bổng thì bạn sẽ phải đi làm trang trải cuộc sống.

Riêng bản thân tôi tập trung cho việc học là chính, đi làm là phụ, cố gắng đạt thành tích cao để xin học bổng hơn là cứ mải mê đi làm để rồi học không xong mà lại phải đi làm quá sức. Thử hỏi ban ngày đi học ban đêm thì đi làm thêm đến khuya thì các bạn có còn sức để học bài làm bài trên lớp không hay đến trường chỉ lấy điểm điểm danh, ngồi ngủ gật trên bàn rồi đến giờ tan học thì về và không tiếp thu được một chút kiến thức nào. Cho nên các bạn phải biết điều chỉnh thời gian của mình sao cho hợp lý.

Để tìm việc làm thêm các bạn có thể xem ở trường học có chỗ giới thiệu không hoặc vào cửa hàng tiện lợi conbini để tìm thông tin (hàng tuần đều có một quyển báo giới thiệu việc làm). Bạn cũng có thể tự mình đi xung quanh khu vực đang sống xem có chỗ nào cần tuyển không.

Đại đa số lưu học sinh hay làm việc trong các quán ăn: rửa bát, phụ bếp, phục vụ bàn… Nhưng dù làm ở vị trí nào bạn hãy luôn tỏ ra mình là người chăm chỉ, đừng bao giờ đứng một chỗ mà không làm gì. Những lúc rỗi việc bạn có thể lau cốc chén, bát đũa, bàn ghế, hỏi về các món ăn trong quán…Hãy làm tất cả các việc mình có thể.

Bạn nên quan sát người Nhật xem học làm gì và bắt chước theo. Nhiều bạn ở nhà chưa từng làm công việc vất vả nên sang đây sẽ thấy thật khó khăn. Người Nhật yêu cầu bạn phải nhanh nhẹn, biết tự quan sát xung quanh để làm việc và làm việc chăm chỉ. Vì vậy, hãy cố gắng hết mức dần dần kĩ năng của bạn sẽ được cải thiện.

  1. Học bổng

Ngày nay, số lượng du học sinh ở Nhật Bản ngày một nhiều, vì vậy việc xin học bổng cũng ngày càng khó khăn. Qua bảng thông báo của nhà trường, những cuốn sách hướng dẫn tìm kiếm học bổng cho du học sinh và qua thông tin từ bạn bè, tôi đã lập một danh sách những học bổng mà mình thoả mãn điều kiện dự tuyển, sau đó tôi đã nộp hồ sơ xin học bổng rất nhiều lần.Những học bổng có giá trị cao, đối tượng tuyển rộng rãi(khôg giới hạn quốc tịch, ngành nghề chắng hạn) là những học bổng rất khó xin. Sau nhiều lần nộp hồ sơ tôi nhận thấy rằng, thành tích học tập cùng với bộ hồ sơ chuẩn bị thật chu đáo là những yếu tố quan trọng quyết định bạn có được chấp thuận hay không.

Bộ hồ sơ xin học bổng thường bao gồm Bảng thành tích học tập, Giấy chứng nhận đã đăng ký cư trú dành cho người nước ngoài, Bản kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch học tập… Vì phải tiến hành nộp đơn nhiều lần, nên theo tôi để tiết kiệm thời gian cho mỗi lần nộp đơn bạn nên luôn chuẩn bị sẵn những giấy tờ nêu trên. Ngoài ra, từ thời điểm nộp đơn xin học bổng đến thời điểm được chấp thuận là một khoảng thời gian khá dài, nên bạn cũng cần theo dõi xem tiến trình đến đâu.

  1. Cuộc sống ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, bất cứ cái gì bạn cần đều có thể mua được. Hệ thống những cửa hàng tiện ích mở cửa 24 tiếng một ngày có ở khắp nơi. Trong suốt thời gian du học, tôi đã sống với một gia đình người Nhật. Nhưng nhiều bạn bè tôi sống trong ký túc của trường.

So với nhà thuê ở ngoài, thì ký túc xá chật chội hơi, nhiều trang thiết bị phải sử dụng chung, nhưng tiền nhà ở ký túc xá lại rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài, và ở trong ký túc xá bạn còn có thể kết bạn với nhiều sinh viên người Nhật cũng như sinh viên nước ngoài cùng sống chung ký túc xá.

Còn tôi, qua những câu chuyện giao lưu với gia đình người Nhật mà tôi sống chung, không những tôi nâng cao được năng lực tiếng Nhật mà tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều về văn hoá, sinh hoạt của người Nhật.

Ở Nhật người ta ít sử dụng xe máy. Hệ thống xe buýt và tàu điện ở Nhật Bản rất phát triển giúp bạn đi tới bất cứ nơi đâu bạn muốn trên nước Nhật. Nên bạn chỉ cần mua thêm chiếc xe đạp là tiện lợi nhất. Phần lớn sinh viên ở Nhật sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại.

Vào ngày nghỉ, tôi thường tranh thủ đi thăm các di tích lich sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền hoặc đi dạo tại các trung tâm mua sắm. Vào những đợt nghỉ dài, tôi hay cùng bè bạn đi du lịch đâu đó hoặc đi nghỉ ở suối nước nóng.

Sống ở Nhật một mình, những lúc khó khăn phải làm thế nào?

Không chỉ ở Nhật mà ở bất cứ đâu cũng sẽ có những khó khăn, nếu bạn may mắn có nhiều bạn cấp 3 cùng qua thì đỡ biết mấy.  Mình nghĩ là hãy kết bạn với mọi người bởi khi gặp khó khăn, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ. Còn về việc học như thế nào thì bạn có thể hỏi lưu học sinh Việt Nam đang theo học hoặc những người Nhật học khóa trước. Các bạn sẽ có nhiều dịp giao lưu với học sinh người Nhật, thầy cô, nhân dịp đấy bạn có thể thử làm quen và hỏi han. Trong học tập sẽ có lúc thấy khó nhưng chắc chắn bạn sẽ tìm được nhiều niềm vui.

Điều mà mình thích nhất khi sống bên Nhật đó là lối sống rất quy củ, người Nhật rất đúng giờ, đến cả xe bus hay tàu điện cũng không chậm trễ một giây một phút nào. Khi nào có việc gì đó đột xuất họ sẽ thông báo và giải quyết rất nhanh chóng tránh trường hợp để mọi người phải chờ đợi. vì vậy các bạn hãy yên tâm nhé, sẽ không bị trễ giờ làm hay giờ học đâu.

Người Nhật rất thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ và lịch sự, chẳng hạn như khi đi ngoài đường mình lỡ đụng phải ai đấy thì họ sẽ là người xin lỗi mình, cả hai cùng đứng lại xin lỗi nhau một lúc rồi mới đi. Nước Nhật dường như không ngủ, các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7 và đồ ăn ở Nhật thì rất là ngon.

Tuy nhiên, cái gì cũng phải có hai mặt của nó. Nước Nhật càng hiện đại tân tiến bao nhiêu thì con người làm việc vất vả bấy nhiêu. Chính vì vậy đã tạo ra một áp lực rất lớn lên đôi vai mỗi người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, chi phí càng đắt đỏ thì họ cần phải làm việc với năng suất cao gấp nhiều lần những người sống ở nông thôn.

  1. Một vài lời nhắn gửi tới các bạn có nguyện vọng du học Nhật Bản

Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của internet, các bạn có thể thu thập được bất cứ thông tin gì về du học Nhật Bản. Sau đó sẽ đề ra một mục tiêu cụ thể và một kế hoạch du học thật chu đáo. Nhật Bản không phải là thiên đường hay chốn bồng lai tiên cảnh nên trước khi du học, bạn phải nghiên cứu  thật kĩ về danh tiếng ngôi trường mà bạn muốn nhập học. Số tiền đi du học Nhật Bản cũng không phải là ít nhưng nếu như  bạn có thể tìm kiếm được các học bổng sẵn có để phấn đấu thì không cần phải chi quá nhiều tiền.

Chúc các bạn có một chuyến du học Nhật Bản thành công !

 

Các đối tác của chúng tôi
0989793395
0.02125 sec| 1664.703 kb